Dịch Vụ

Thành lập hộ kinh doanh nhớ lưu ý 7 điều sau

Rate this post

Nếu bạn là người kinh doanh, dù bất kì mặt hàng gì đi chăng nữa, một điều bạn cần lưu ý chính là các quy định của pháp luật đối với ngành nghề của bạn. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc kinh doanh của bạn có hay không bị các cơ quan nhà nước “sờ gáy”.Chẳng ai muốn đang kinh doanh thuận lợi lại bị kiểm tra đột xuất và tịch thu hàng hóa đúng không nhỉ?

Thành lập hộ kinh doanh là bước đầu tiên khi bắt đầu hoạt động kinh doanh nghiêm túc của mình. Vậy khi thành lập hộ kinh doanh nhớ lưu ý điều gì? Bài viết dưới đây chúng mình sẽ tổng hợp tới bạn 7 điều bạn cần quan tâm khi thành lập hộ kinh doanh.Cùng tìm hiểu nhé!

Hộ kinh doanh là gì? Tại sao khi kinh doanh lại phải lập hộ kinh doanh?

Hộ kinh doanh là gì? Theo quy định của Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp định nghĩa về hộ kinh doanh cá thể như sau: Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh”.

Vậy thì tại sao bạn kinh doanh lại phải lập hộ kinh doanh. Thực tế chẳng cơ quan nhà nước nào muốn bạn kinh doanh tự do mà không chịu sự ràng buộc cả. Bạn được kinh doanh tự do nhưng bạn vẫn phải chấp hành các quy định của nhà nước, phải chịu sự ràng buộc và quản lý. Việc thành lập hộ kinh doanh cũng là cách giúp bạn được bảo vệ khi gặp phải các rắc rối trong quá trình hoạt động.

Nhiều người khi bắt đầu kinh doanh thường phân vân không biết nên thành lập công ty hay đăng ký hộ kinh doanh cá thể để phù hợp với quy mô hoạt động của bản thân hoặc ưu, nhược điểm của từng loại hình kinh doanh như thế nào… Thường thì khi bạn kinh doanh nhỏ, không có nhu cầu quá nhiều về hóa đơn và hoạt động kinh doanh đơn giản thì bạn nên lựa chọn hộ kinh doanh là hình thức phù hợp.

7 lưu ý khi lập hộ kinh doanh

1.Đối tượng được đăng ký hộ kinh doanh

Theo Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có nêu rõ, các đối tượng được quyền thành lập hộ kinh doanh cá thể là cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Người đại diện các thành viên hộ gia đình đứng tên trên giấy phép kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

Một người chỉ đứng tên duy nhất một hộ kinh doanh, xét trên phạm vi cả nước. Nếu người này đã là chủ một hộ kinh doanh trước đó, mặc dù không kinh doanh từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa tiến hành giải thể thì người này không thể đứng tên trên hộ kinh doanh mới (muốn đăng ký hộ kinh doanh mới phải giải thể hộ kinh doanh cũ).

2.Lưu ý về tên hộ kinh doanh

Cũng giống như thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng có tên gọi riêng.

  • Tên hộ kinh doanh bao gồm 2 thành tố: “Hộ kinh doanh + Tên riêng của hộ kinh doanh”.
  • Tên hộ kinh doanh không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” vì dễ gây nhầm lẫn với loại hình doanh nghiệp.
  • Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của những hộ kinh doanh khác đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.
  • Không sử dụng tiếng anh để đặt tên cho HKD. Nếu sử dụng phải đảm bảo giữa các ký tự có dấu chấm đi kèm.

Xin phép hộ kinh doanh cá thể tại Bình Dương

3.Lưu ý về địa điểm đăng ký hộ kinh doanh

Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

Lưu ý rằng:

  • Địa điểm kinh doanh nếu thuộc quyền sở hữu của bạn thì phải có giấy tờ chứng mình hợp pháp (Sổ hồng, hợp đồng mua bán,….)
  • Địa điểm kinh doanh nếu bạn đi thuê thì cần có hợp đồng thuê nhà, hợp đồng thuê mặt bằng,…
  • Địa chỉ đăng ký HKD tuyệt đối không được là chung cư (trừ trường hợp hộ kinh doanh với mục đích cho thuê nhà để ở).
  • Địa chỉ đang nằm trong khu quy hoạch của nhà nước thì không được thành lập HKD.

4.Lưu ý về vốn điều lệ

Hiện nay luật không quy định số vốn tối thiểu hay tối đa đối với HKD. Do vậy, đăng ký số vốn bao nhiêu là tùy thuộc khả năng của mỗi người và quy mô, ngành nghề người đăng ký hướng đến. Tuy nhiên bạn nên cân nhắc rủi ro sau này để đăng ký số vốn cho hợp lý.Bạn cũng không nên đăng ký số vốn quá cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến mức thuế, lệ phí sau này bạn phải nộp trong quá trình kinh doanh.

Dịch vụ tư vấn thành lập văn phòng đại diện - Luật Việt Tín

5.Lưu ý về số lượng lao động

Theo quy định trước đây, số lượng lao động tối đa mà hộ kinh doanh cá thể được phép sử dụng là 9 lao động. Tuy nhiên, với Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh không còn bị giới hạn số lượng lao động nữa.

6.Lưu ý về ngành nghề kinh doanh

Bạn được phép kinh doanh nhiều  ngành nghề và các ngành nghề này không thuộc danh sách cấm của nhà nước

Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện như phun săm thẩm mĩ, dược phẩm nhà thuốc cũng yêu cầu bạn phải đủ điều kiện để có thể đảm bảo hoạt động.

Muốn kinh doanh ngành nào thì khi đăng ký thành lập, ghi ngành nghề, nghề đó trên giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh hoặc lựa chọn mã ngành nghề muốn đăng ký nếu làm thủ tục đăng ký online.

7.Lưu ý về các giấy tờ cần có

  • Hợp đồng thuê nhà hoặc mượn nhà giữa chủ nhà và chủ hộ kinh doanh phải được ký trực tiếp, không thông qua trung gian;
  • Sao y công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • 2 bản sao y công chứng CMND/CCCD của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình cùng góp vốn thành lập hộ kinh doanh (nếu có);
  • Các chứng chỉ bằng cấp đối với ngành nghề có điều kiện (sao y công chứng).

Hộ kinh doanh là gì? Một số quy định về hộ kinh doanh

Bạn có thể đăng ký hộ kinh doanh cá thể tại phòng tài chính kế hoạch – UBND huyện/thành phố nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở, thời gian chỉ mất 3 ngày. Hồ sơ thành lập cũng rất đơn giản bạn có thể tự thực hiện hoặc nhờ các bên tư vấn hỗ trợ. Đây là công việc bắt buộc các bên có hoạt động kinh doanh đều phải thực hiện. Vậy nên, bạn nên lưu ý đi đăng ký sớm để tránh rủi ro bị phạt vì thiếu giấy tờ trong quá trình kinh doanh bạn nhé!

Xem thêm:Xử lý hàng tồn kho sao cho hiệu quả?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button