Nên chọn sữa bò hay sữa hạt trong chế độ dinh dưỡng
Chúng ta đều biết sữa bò là loại sữa rất phổ biến trên thị trường và hầu như ai cũng có thể sử dụng được. Tuy nhiên vẫn có những đối tượng không dùng được sữa bò. Vậy đó là những đối tượng nào? Cùng tìm hiểu nhé!
1. Sữa bò
Sữa bò – loại thực phẩm lâu đời và được ưa chuộng hàng nghìn năm nay là nguồn canxi, protein và vitamin D tuyệt vời. Những dưỡng chất này đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của trẻ và người già, những đối tượng đang cần tăng sức bền của xương.
Ưu điểm:
- Sữa bò giàu chất đạm, canxi và hàm lượng protein cao gần gấp đôi các loại sữa khác. Loại sữa này cũng là nguồn cung cấp chất béo và carbohydrate quan trọng.
- Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong sữa bò cũng có chứa một số đặc tính kháng khuẩn, và đã được chứng minh là giúp trẻ sơ sinh chống lại một số virus cúm và nhiễm trùng đường hô hấp.
Nhược điểm:
- Tuy nhiên, trong thành phần sữa bò thiếu chất xơ, có chứa nhiều chất béo xấu làm tăng mối nguy hại cho sức khỏe.
- Ngoài ra, protein trong sữa bò gây dị ứng với một vài trẻ nhỏ và dùng quá nhiều sữa bò còn có thể gây dị ứng lactose khiến đau bụng, đầy hơi, thậm chí gây tiêu chảy.
- Với 65% dân số thế giới không dung nạp lactose trong sữa bò (do thiếu enzyme quan trọng trong đường tiêu hóa để thu nhận các chất dinh dưỡng trong sữa bò) 0,5% dân số ăn chay và 11% dị ứng với gluten thì sữa bò không phải là lựa chọn tốt.
2. Sữa hạt
Sữa hạt là tên gọi các loại thức uống chế biến từ các loại hạt. Theo thành phần dinh dưỡng, những loại sữa hạt có thể chia làm hai nhóm gồm: sữa hạt giàu chất béo, đạm (hạnh nhân, óc chó, các loại đậu…), và sữa hạt ngũ cốc (yến mạch, gạo lứt, khoai lang, ngô…).
Ưu điểm
- Sữa hạt là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho mọi độ tuổi từ trẻ em, mẹ bầu, các mẹ cho con bú, đàn ông, phụ nữ đến người lớn tuổi. Bên cạnh lượng protein, chất xơ dễ tiêu hóa thì các loại hạt cũng chứa chất béo không bão hòa (có nhiều trong hạnh nhân), giúp giảm lượng cholesterol có hại cho cơ thể.
- Sữa hạt có lượng chất béo cao, đặc biệt là axit béo không no nhiều nối đôi (polyunsaturated fat, PUF) như các axit omega-3, 6, 9 trong khi lượng chất bột đường (carb) chỉ từ 15-45%, thấp hơn trong ngũ cốc. Hơn thế nữa, sữa hạt còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa (anti-oxidants) tốt cho da. Vì lý do này, các nhà dinh dưỡng kết luận rằng sữa hạt là thức uống bổ sung dinh dưỡng rất tốt cho cả nam phụ lão ấu.
Nhược điểm
- Dù các loại hạt rất giàu chất đạm, nhưng đặc tính chung của các loại đạm thực vật là không “hoàn chỉnh” vì thường không có sự cân đối và thiếu các axit amin tối cần thiết cho cơ thể (essential amino-acid). Do đó, khi ăn nhiều đạm thực vật không cân đối, cơ thể sẽ không tổng hợp được các protein cần thiết, gây khó khăn cho việc tiêu hóa, đặc biệt là với trẻ em đang ở tuổi phát triển. Mặt khác, trẻ nhỏ nếu chỉ ăn sữa hạt sẽ bị thiếu sắt, kẽm và những axit amin thiết yếu do các vi chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật thường khó hấp thu.
3. Sữa thực vật và sữa bò, lựa chọn nào tốt hơn?
Sữa bò chứa nhiều protein và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, bao gồm chất béo và carbohydrate. Các nhà nghiên cứu cho biết nó cũng chứa một số đặc tính chống vi khuẩn và đã được chứng minh là giúp trẻ sơ sinh chống lại cơn sốt và nhiễm trùng đường hô hấp. Nhưng khoa học cũng thừa nhận rằng sữa bò làm tăng mối lo ngại về sức khỏe. Nó có thể mang mầm bệnh có hại, bao gồm cả vi khuẩn salmonella và E.coli, và có rất nhiều trẻ sơ sinh, trẻ em bị dị ứng với sữa bò. Với người lớn, nhiều người không dung nạp lactose, có nghĩa là họ thiếu một loại enzym đường tiêu hóa quan trọng để hấp thu các loại thực phẩm chứa nhiều lactose như sữa bò. Điều này phổ biến ở người da đen, người châu Á và người Mỹ bản địa. Thêm vào đó, với mong muốn giảm lượng cholesterol và sự quan tâm ngày càng tăng đối với chế độ ăn thuần chay, và nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng sữa làm từ thực vật như một sự thay thế.
Với các loại sữa thực vật phổ biến hiện nay, sữa dừa có hàm lượng calo thấp và được đánh giá tốt về hương vị, nhưng nó không cung cấp protein và chứa nhiều chất béo bão hòa. Tương tự, sữa hạnh nhân cũng có hàm lượng calo thấp và được đánh giá cao về hương vị, đồng thời cung cấp nhiều chất béo, carbohydrate và protein tương đương với sữa bò. Tuy nhiên, nó gây ra một vấn đề tiềm ẩn cho những người bị dị ứng với hạt. Sữa gạo được xếp hạng tương đương với sữa bò về hàm lượng calo, nhưng chứa nhiều đường hơn và không cung cấp một lượng chất béo, carbohydrate và protein tương đương. Sữa đậu nành là một vấn đề tiềm ẩn đối với những người bị dị ứng đậu nành. Nhưng nó rất giàu protein, đồng thời cung cấp sự cân bằng chất béo và carbs tương tự như sữa bò.
Nhìn chung, sữa đậu nành là loại gần nhất về chất dinh dưỡng với sữa bò. Tuy nhiên, sữa làm từ thực vật không có thành phần dinh dưỡng tương tự như sữa bò và không nên được xem như một sản phẩm thay thế trực tiếp, như hầu hết người tiêu dùng thấy hiện nay.
Các lựa chọn thay thế bằng sữa thực vật có thể đóng một vai trò nào đó trong chế độ ăn uống, đặc biệt là đối với những người bị dị ứng sữa bò hoặc không dung nạp lactose. Nhưng cần hiểu rằng sữa thực vật không vượt trội về mặt dinh dưỡng và không hoàn toàn đúng với những quảng cáo quá đà về lợi ích sức khỏe mà nhiều người đặt cho chúng.
Sữa bò vẫn là lựa chọn tốt nhất trong nhiều trường hợp, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, những người cần calo, protein, chất béo và canxi cho tăng trưởng và phát triển. Nếu bạn lo lắng về hàm lượng chất béo trong sữa bò, bạn có thể cân nhắc lựa chọn những loại sữa ít chất béo bão hòa, đối với những người không dung nạp lactose thì hiện nay trên thị trường cũng có nhiều loại sữa bò không có lactose.
Chắc hẳn qua bài viết này bạn có thể lựa chọn được loại sữa phù hợp cho gia đình mình rồi đúng không nhỉ?