Cảnh BáoHình thức lừa đảo

Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại thường gặp

Rate this post

Hiện nay điện thoại là một vật bất ly thân với rất nhiều người. Tuy nhiên chính bởi vì không rời tay khỏi chiếc điện thoại vậy nên rất nhiều chiêu trò lừa đảo cũng được thực hiện thông qua chiếc điện thoại này. Trong góc cảnh báo ngày hôm  nay, chúng mình sẽ giới thiệu tới các bạn các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại thường gặp để chúng ta cùng phòng tránh nhé!

1.Giả danh cơ quan nhà nước

Cảnh báo một số chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay để người dân chủ động phòng tránh

Đây là chiêu trò được nhiều đối tượng sử dụng. Và dù được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có rất nhiều người mắc phải. Theo đó, chúng sẽ giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang. Theo đó, chỉ với các đầu số giả mạo, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng cho nhiều kịch bản khác nhau như: Giả làm Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn… liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân.

Tiếp đó, chúng sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an nhằm đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ điều tra.

Hoặc mục đích khác, khi gọi cho người dân sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân trên Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân để lấy cắp thông tin mang đi vay mượn tiền trên các app online lừa đảo qua mạng.

2.Giả mạo nhân viên ngân hàng

Các đối tượng lừa đảo thường lấy danh nghĩa các tổ chức tín dụng hợp pháp hay danh nghĩa ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn hay quảng cáo các đường link trên mạng xã hội facebook, zalo… để người dân đang có nhu cầu vay vốn tìm đến. Sau khi mời chào được người dân, những đối tượng sẽ liên kết nhắn tin qua zalo, hoặc messenger trên facebook để hướng dẫn người dân kê khai đầy đủ thông tin qua đường link mà chúng cung cấp. Khi người dân kê khai cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng cũng như số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân thì chúng liên hệ lại nói rằng số tài khoản hoặc số chứng minh nhân dân bị sai một số và phải đóng tiền từ 5-10% chuyển khoản để chỉnh sửa lại thông tin do tài khoản bị đóng băng vì kê khai sai (nhưng thực chất thông tin khách hàng cung cấp là đúng, các đối tượng vay lừa đảo tự chỉnh sửa thông tin sai). Sau đó khi người dân chuyển khoản tiền cho chúng thông qua số tài khoản cá nhân của đối tượng lừa đó, số tiền khách hàng vay có hiện trên ví qua đường link của chúng nhưng vẫn không hề rút được tiền. Và chúng cứ yêu cầu người dân chuyển tiền hết lần này đến lần khác bảo đó là phí giải ngân… cứ thế “tiền mất – tật mang”.

Bên cạnh đó, Các đối tượng có thể sử dụng SIM điện thoại khuyến mại giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo có chương trình tri ân khách hàng, đề nghị bị hại cung cấp số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet Banking và mã xác thực OTP để nhận quà tặng là một khoản tiền có giá trị lớn từ một ngân hàng, sau khi bị hại cung cấp các thông tin này bọn chúng chiếm quyền sử dụng dịch vụ Internet Banking và chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại sang tài khoản của bọn chúng đã chuẩn bị từ trước để chiếm đoạt.

Ngoài ra chúng cũng có thể lừa đảo bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.

Chiêu thức lừa đảo này diễn ra rất là nhiều, đặc biệt diễn ra trong thời điểm dịch bệnh Covid bùng phát, người dân trì trệ việc làm không có lương, gặp khó khăn về kinh tế và cần tiền, nên việc vay online là rất cần thiết tại lúc đó.

3.Giả mạo nhân viên của các mạng di động

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội

Theo đó, Chúng sẽ sử dụng SIM rác, mạo danh nhân viên nhà mạng gọi điện, nhắn tin cho chủ thuê bao, lấy lý do hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM từ 3G lên 4G, yêu cầu khách hàng làm theo cú pháp, truy cập đường Link chúng nhắn. Nếu làm theo, SIM của chủ thuê bao sẽ bị khóa, không tin của số thuê bao được chuyển sang SIM mới của đối tượng. Trong thời gian chiếm quyền kiểm soát SIM, bọn tội phạm bẻ khóa, truy cập vào các tài khoản của chủ thuê bao gắn với số điện thoại cá nhân, nhất là tài khoản thẻ ứng dụng. Mục đích chiếm quyền sử dụng số điện thoại để phá bảo mật, nhập mã OTP từ nhà cung cấp dịch vụ hay ngân hàng để có thể bẻ khóa, xâm nhập chiếm đoạt tài sản trong tài khoản.

4.Giả mạo nhân viên của các công ty xổ số

Đối tượng gọi điện đến các thuê bao di động hoặc qua mạng xã hội giới thiệu là có người nhà làm trong các công ty xổ số có khả năng biết trước kết quả, chúng gửi số lô, số đề; hứa cung cấp tiền để đánh; sau đó thông tin hết tiền, đề nghị bị hại bỏ tiền đánh, chia phần trăm hoa hồng. Những người trúng gửi tiền theo thỏa thuận cho bọn chúng thì bị chiếm đoạt.

Chiêu thức nữa cũng thường được áp dụng là giả mạo là nhân viên cửa hàng, công ty xổ số… gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà là nước hoa hay phần thưởng mang giá trị cao của một chương trình nào đó đã và đang diễn ra. Và sau đó, họ đánh vào tâm lý tò mò của người dân, yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm có giá trị tương đương hoặc cao hơn và phải chuyển trước số tiền đó cho họ và bị chiếm đoạt.

5 Giả mạo người nước ngoài

Cảnh báo chiêu trò giả danh công an lừa đảo

Đối tượng có thể tự giới thiệu là người nước ngoài , liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, bị hại/người bị lừa đảo phải nộp các khoản tiền như: Thuế, phí, cước vận chuyển… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.

Một chiêu thức đang diễn ra rất phổ biến là nhận quà từ bạn bè bên nước ngoài gửi về. Một bên có thông tin cá nhân và tạo mối quan hệ qua mạng xã hội quen thân nhắn tin, xong sau đó nói rằng muốn gửi quà cho nạn nhân trong đó là gửi tiền, gửi vàng, gửi quà mang giá trị lớn. Sau đó, có một bên sẽ liên hệ cho nạn nhân tự xưng là hải quan nói rằng có bưu kiện bên nước ngoài gửi về, trong đó có tiền hoặc vàng nên bị giữ lại phải nộp tiền thuế, phí, cước vận chuyển… vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo sau đó mới được nhận quà.

Trên đây là một số chiêu thức lừa đảo qua điện thoại được nhiều đối tượng áp dụng để lừa đảo. Đánh vào tâm lý lo lắng, sợ hãi và ham lợi của nhiều người để lừa đảo. Bởi vậy những chiêu thức trên dù được cảnh báo nhiều lần nhưng rất nhiều người mắc phải..Hy vọng rằng góc cảnh bảo của chúng mình có thể giúp bạn có thể nhận biết thêm những chiêu trò lừa đảo này và tránh mắc phải lưỡi câu mà những đối tượng này đang thả sẵn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button