Cảnh Báo

Từ vụ việc ở Itaewon, học cách để sống sót khi bị đám đông chèn ép

Rate this post

Mấy ngày hôm nay, trên tất cả các mạng xã hội đều ngập tràn tin tức về thảm kịch tại Itaewon. Đây là câu chuyện buồn của Hàn Quốc nhưng cũng chính là bài học lớn cho tất cả các quốc gia về công tác tổ chức và bảo đảm an toàn trong các sự kiện có tập trung đông người. Tuy nhiên với mỗi chúng ta, cũng dần phải học cách phòng ngừa để tránh rơi vào các tình huống hiểm nghèo như thế. Dưới đây hãy cũng chúng mình học thêm một bài học mới từ câu chuyện của Itaewon.

1- Nhìn lại câu chuyện ở Itaewon

Tối ngày 29/10, nhiều người Hàn Quốc và khách du lịch đã tới khu Itaewon. Đây là con phố ăn chơi nổi tiếng ở Seoul (giống như Bùi Viện ở Việt Nam), ở đây có rất nhiều quán cafe và quán bar ở con phố này. Ngày hôm đó, ở đây đang rất nhộn nhịp với các buổi tiệc tùng chào mừng ngày Halloween

Thế nhưng, những người tham dự nhanh chóng nhận ra họ đang ở trong một cơn ác mộng, khi dòng người quá đông dồn vào một con dốc nhỏ, dẫn tới một thảm kịch giẫm đạp khủng khiếp chưa từng có tại Hàn Quốc.

31oct202246091667190443jpg
Thời điểm xảy ra vụ giẫm đạp. | Nguồn: Yonhap

Ít nhất 154 người đã thiệt mạng do bị lèn chặt trong dòng người, và con số thương vong có thể sẽ tăng lên do vẫn có những nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch. 26 người nước ngoài đã tử vong, trong đó có một công dân Việt Nam.

Nỗi sợ và tiếng kêu khóc bao trùm Itaewon khi các đơn vị cấp cứu và người dân xung quanh cố gắng níu kéo những nạn nhân đã tắt thở. Con phố vui chơi giải trí sầm uất nay la liệt những xác người xếp thành hàng. Kể từ vụ chìm phà Sewol vào năm 2014, chưa có một sự kiện nào cướp đi nhiều sinh mạng và gây chấn động như thảm kịch Itaewon.

2- Đây không phải là câu chuyện hy hữu.

Tối ngày 1/10, trong một trận bóng đá ở Indonesia, do đội chủ nhà bị thua sau 23 năm bất bại trên sân nhà, khán giả đã tràn vào sân yêu cầu ban huấn luyện giải thích lí do. Lúc này, cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán khiến đám đông mất kiểm soát và việc giẫm đạp, xô đẩy xảy ra khiến 131 người chết. Kết quả pháp y cho thấy họ chủ yếu chết ngạt vì thiếu oxy.

Tại Saudi Arabia, thảm hoạ kinh hoàng xảy ra ở Thánh địa Mecca vào năm 1990, khiến 1.426 người hành hương chết vì ngạt thở. 

Vào ngày 24/9/2015, lịch sử lặp lại với những người hành hương ở khu vực Mina, cách thánh địa Mecca 5 km về phía đông, làm chết 1.399 người.

Vào tháng 8/2005, ít nhất 1.005 người đã thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp trên một cây cầu của người Hồi giáo dòng Shiite, sau khi có tin đồn về một vụ tấn công liều chết ở thủ đô Baghdad của Iraq.

Ngày 22/11/2010, ngày cuối cùng trong 3 ngày lễ hội té nước truyền thống của Campuchia, khoảng 3 triệu người từ khắp nơi đổ về Phnom Penh để xem cuộc đua thuyền rồng tổ chức trên sông Tonle Sap trước Cung điện Hoàng gia và những nơi như Đảo Kim Cương ở Phnom Penh. Do quá đông khách du lịch, một cây cầu trên Đảo Kim Cương bị rung lắc khiến người dân hoảng loạn, hậu quả, 456 người thiệt mạng.

Chuyên gia chia sẻ cách để sống sót khi bị kẹt trong đám đông giẫm đạp

Có thể thấy những thảm họa này không phải hiếm ở trên thế giới. Vậy nên bản thân chúng ta cũng cần phải lưu ý, chuẩn bị cho mình những hành trang để có thể phòng ngừa nếu bản thân mình cũng rơi vào tình trạng như vậy

3- Hướng dẫn các biện pháp thoát khỏi đám đông hoảng loạn

Các khảo sát về nguyên nhân tử vong của những nạn nhân trong những vụ đám đông hoảng loạn cho thấy có 3 nguyên nhân chính sau đây:

  • Do ngạt thở (đây là nguyên nhân hàng đầu).
  • Do bị chèn ép quá mức (khi đám đông xô đẩy nhau).
  •  Do bị giẫm đạp (khi nạn nhân bị ngã và bị người khác giẫm đạp lên người).

8 cách xử lý khi bị mắc kẹt trong đám đông hỗn loạn - Ngôi sao

Vậy nên nếu chúng ta phải tham gia các sự kiện đông người, hãy luôn ghi nhớ những điều sau, có thể trong một trường hợp nào đó chúng có thể giúp chúng ta  thoát khỏi đám đông đầy hoảng loạn :

  • Xác định lối thoát hiểm. Hãy tìm và ghi nhớ những lối thoát, bởi khi xảy ra giẫm đạp, lối đi chính thường không phải là lối thoát tối ưu.
  • Học cách đánh giá đám đông. Hãy theo dõi lưu lượng người xung quanh bạn và tìm cách thoát ra nếu bắt đầu có quá nhiều người. Hãy đi về sớm nếu có thể để tránh dòng người đông đúc.
  • Đứng thẳng người, và đừng ngã. Khả năng sống sót của bạn sẽ giảm xuống rất thấp nếu bạn không thể đứng vững.
  • Khi đứng, đan chéo tay hoặc khoanh tay trước ngực. Điều này vừa tạo một chút khoảng trống cho bạn, vừa bảo vệ vùng ngực, phổi, và xương sườn.
  • Nếu bạn ngã và không thể đứng dậy, cố gắng nằm nghiêng và che đầu. Tránh nằm ngửa hoặc nằm sấp bởi tư thế này có thể khiến phổi bị tổn thương trực tiếp do giẫm đạp.
  • Tiết kiệm sức lực. Trong những vụ việc này, thở đã khó lắm rồi. Đừng la hét trừ khi thực sự cần thiết.
  • Đừng hoảng loạn, và cố gắng thuận theo dòng người. Việc xô đẩy hay chống lại nó sẽ chỉ khiến bạn mất sức mà thôi.
  • Cố gắng tránh bị ép vào tường hay rào chắn. Khi nhiều người cùng đẩy, lực đẩy có thể bẻ cong kim loại và xô đổ tường, và cơ thể người thì không thể chịu được lực lớn như vậy.
  • Giúp đỡ nhau nếu có thể. Một đám đông bình tĩnh và đoàn kết sẽ có khả năng sống sót cao hơn một đám đông hoảng loạn.

Địa hình của khu phố Itaewon cũng không khác nhiều với phố Tạ Hiện tại Hà Nội, hay Bùi Viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Việt Nam cũng thường xuyên có những sự kiện tập trung đông người tại các địa điểm du lịch như sự kiện đón giao thừa, các lễ hội tôn giáo, hay thậm chí là… đi “bão” sau khi thắng bóng đá.Vậy nên, đừng xem câu chuyện ở itaewon là câu chuyện bên Tây bên Tàu. Hãy luôn chú ý và tự bảo vệ cho bản thân để tránh rơi vào tình huống trên bạn nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button