Kiến thức SEO

Keyword Cannibalization Là Gì? Từ Khóa Ăn Thịt Từ Khóa Và Cách Xử Lý

5/5 - (29 bình chọn)

1. Keyword Cannibalization Là Gì?

Keyword Cannibalization – Tranh chấp từ khóa là hiện tượng xảy ra khi bạn vô tình hay cố ý ranking cùng một từ khóa cho hai hay nhiều bài viết trên website. Điều này dẫn tới sự cạnh tranh nội bộ lẫn nhau giữa các page trên cùng một website.

Nó khiến cho công cụ tìm kiếm khó xác định đâu là trang đích xứng đáng được xếp hạng. Trong nhiều trường hợp, nó khiến người dùng bối rối vì không biết đâu là nội dung họ đang cần tìm kiếm.

Thông thường, Google sẽ chỉ hiển thị 1 hoặc 2 kết quả từ cùng một tên miền trên SERPs cho một truy vấn cụ thể. Nếu bạn lên 2 link cho 1 từ khóa thì hoặc Domain có DA cao, hoặc thị trường kém cạnh tranh.

Thông thường, có 2 trường hợp dễ gây ra Keyword Cannibalization

Trường hợp 1: Viết nhiều bài cùng Target 1 chủ đề (từ khóa) để tăng cơ hội xếp hạng từ khóa. Spammer hay làm.

VD: Với từ khóa “Honda City”, bạn viết 2 bài chung một nội dung:

  • Đánh giá xe Honda City
  • Cảm nhận về xe Honda City

>> Dupicate content – Trùng lặp nội dung

Trường hợp 2: Chia nhỏ chủ đề thành nhiều chủ đề con. Với mỗi từ khóa, thay vì viết một nội dung chuyên sâu, thể hiện tất cả các khía cạnh của chủ đề, bạn lại chia chủ đề thành nhiều bài viết nhỏ. Keyword Cannibalize trường hợp này bị lỗi Thin content.

VD: Với từ khóa “Honda City”, thay vì viết một cách chi tiết, chuyên sâu về chủ đề; bạn lại chia nhỏ bài viết ra thành nhiều chủ đề nhỏ như:

  • Nội thất Honda City
  • Thông số kỹ thuật Honda City
  • Giá bán Honda City

>> Dễ bị Thin content

Trường hợp 3: Thiếu Landing page cho từ khóa – phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của người dùng. Thường gặp ở từ khóa chung và từ khóa thương hiệu.

VD: Bạn có một Website bán giầy với nhiều Landing Page về từ khóa sản phẩm: giầy đôi, giầy nam, giầy nữ, giầy Adidas, giầy Nike, Việt Nam xuất khẩu, giầy da, giầy vải … Vậy khi người dùng tìm từ khóa “giầy”, thì liệu kết quả nào sẽ được ưu tiên ?

Hay bạn có một thương hiệu, và ở đâu bạn cũng nhồi nhét tên thương hiệu vào tiêu đề, vào body text. Vậy nó sẽ được xếp hạng chính xác ở đâu ?

Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào Keyword Cannibalization cũng là vấn đề.

2. Các dạng Keyword Cannibalization

Bạn có thể bắt gặp 2 dạng Keyword Cannibalization chính:

Hai hoặc nhiều trang đích trên website của bạn đang cạnh tranh cho cùng một từ khóa

VD: 2 landing page

  • hondaotophattien.com.vn/vn/xe-honda-accord.html
  • hondaotophattien.com.vn/vn/gia-honda-accord.html

cùng được xếp hạng cho từ khóa “Giá xe Honda Accord”

Nếu nhiều trang được xếp hạng cho cùng một từ khóa, đó là do công cụ tìm kiếm nhận thấy các bài viết đó đều có thể trả lời câu hỏi của người dùng ở một khía cạnh nào đó.

Về mặt kỹ thuật, các trang này đã xuất hiện tiềm năng “ăn thịt lẫn nhau”

Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng, Keyword Cannibalization trong trường hợp này không phải lúc nào cũng xấu. Cách khắc phục phụ thuộc vào tình huống và mục tiêu của bạn.

TH1: Cả 2 trang đều có thứ hạng cao trên SERPS, điều này có thể có lợi cho bạn: Việc chiếm nhiều không gian hơn có nghĩa là CTR truy cập vào website của bạn sẽ tăng lên.

Lúc này bạn cần xem xét thay đổi Title (Tiêu đề) và Meta Description (Mô tả) sao cho hấp dẫn và độc đáo. Không nên để cả hai cùng hiển thị một thông điệp và không hề gây ấn tượng với người dùng.

TH2: Trang thứ cấp/ không đúng ý định tìm kiếm người dùng/ tỷ lệ chuyển đổi thấp lại xếp hạng cao hơn trang chính.

VD: Trang Domain/giay/ lại xếp hạng cao hơn Domain/giay/giay-adidas/ cho từ khóa Giày Adidas

Bạn nên kiểm tra trên Google Search Console (GSC) để xem trang nào đang nhận được nhiều nhấp chuột nhất cho cụm từ đó. Sau đó, quyết định xem có đáng để thay đổi các yếu tố khác trong SEO để thay đổi landing page nhận từ khóa hay không.

Để thay đổi Landing Page nhận từ khóa “Giày Adidas”, bạn có thể xóa từ “Giày Adidas” ra khỏi tiêu đề và mô tả của trang Domain/giay/, tích cực đẩy Internal Link và Backlink chứa Anchor Text “Giay Adidas” về trang Domain/giay/giay-adidas/

TH3: Trang thứ cấp xếp hạng cao trên SERPs trong khi trang chính không có thứ hạng.

VD: Trang Domain/giay/ có thứ hạng cao trên SERPS và trang Domain/giay/giay-adidas/ không được nhìn thấy khi truy vấn từ khóa “Giày Adidas”

Bạn nên cân nhắc xem có nên thay đổi landing page nhận từ khóa hay không? Bởi, điều này tốn tài nguyên và công sức của bạn mà mức độ cấp bách không cao.

Nếu bạn quyết định thay đổi, hãy tiếp tục theo dõi danh sách từ khóa mà 2 trang đang ranking, chờ phản ứng của Google trong tương lai.

Quay trở lại xử lý tình huống “Ăn thịt từ khóa” này sau khi giải quyết các vấn đề quan trọng khác trên website. (Thay đổi như TH2)

TH4: Trường hợp cả hai trang bị kẹt ở trang 2 và trang 3 của SERPs

Kiểm tra trên GSC để xem trang nào của bạn nhận được nhiều nhấp chuột nhất cho từ khóa đó. Bạn cũng nên kiểm tra các thuật ngữ tương tự, vì các từ khóa trên trang hai hoặc ba của SERP sẽ có số lần hiển thị, số lần click rất thấp.

Sau đó, quyết định trang nào sẽ là trang chính – phù hợp với Search Intent người dùng – và thay các yếu tố SEO trên cả 2 trang.

Xem lại tiêu đề và thẻ mô tả. Kiểm tra lại mức độ trùng lặp của nội dung. Từ đó quyết định hướng giải quyết: hợp nhất / tối ưu hóa / redirect (được đề cập phần cuối bài viết)

TH4: Từ khóa được xếp hạng cho 2 hoặc nhiều Landing page (LD) vào các thời điểm khác nhau (Keyword Dance). Tình huống này, Google đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn Landing Page cho từ khóa.

VD:

URL trang Xếp hạng cho từ khóa Giày Adidas vào ngày 1 tháng 1 Xếp hạng cho từ khóa Giày Adidas 5 tháng 1
Trang A: Domain/giay/ Vị trí 6 Không xếp hạng
Trang B: Domain/giay/giay-adidas/ Không xếp hạng Vị trí 8

Đây là vấn đề phổ biến mà nhiều bạn gặp phải. Để giải quyết, bạn cần trả lời được một số câu hỏi sau:

Sự thay đổi LD này bắt đầu từ thời điểm nào?

Việc xác định chính xác thời gian thay đổi giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân của vấn đề. Có thể do thay đổi thành phần trên trang, mất thẻ điều hướng, thuật toán Google cập nhật,…

Có bao nhiêu LD đang chuyển đổi cho cùng 1 từ khóa?

Càng ít trang chịu sự biến động càng tốt và dễ giải quyết. Cố gắng xác định trang nào có liên quan và kiểm tra tất cả các yếu tố có thể đã kích hoạt tính không ổn định này.

Hãy thử và tìm hiểu tần suất mỗi trang xếp hạng cho từ khóa: càng ít lần, càng tốt. Tham chiếu chéo thời gian của các thay đổi trên website với tình huống Dance từ khóa để có phương án điều chỉnh, khắc phụ phù hợp.

Nếu việc từ khóa thay đổi chỉ xảy ra một lần và dường như đã dừng lại, bạn không cần phải lo lắng vì đó có thể là biến động một lần trong SERP. (Google thay đổi và biến động hằng ngày).

3. Tác động xấu của Keyword Cannibalization với SEO

Keyword Cannibalization có thể gây hậu quả tiềm tàng cho SEO: Từ khóa bị kẹt ở trang 2, lưu lượng truy cập trang bị giảm, truy vấn trả về sai kết quả với ý định tìm kiếm của người dùng, thứ hạng từ khóa bị dance và cuối cùng là tụt giảm doanh số. Tại sao? Bởi vì:

Làm giảm độ uy tín của trang (AUTHORITY PAGE)

Thay vì tạo ra một bài viết có thẩm quyền (Authority) cao, nội dung tổng hợp, toàn diện, giải quyết triệt để mục đích tìm kiếm (Search Intent) của người dùng, tăng time on site, giảm bound rate (tỷ lệ thoát). Bạn lại tách bài viết ra thành nhiều bài viết con có độ liên quan vừa phải. Bạn biến trang của mình thành đối thủ cạnh tranh và chiến đấu lẫn nhau để giành số lượt xem trang (pageviews) và xếp hạng SERP (SERP ranks).

Làm loãng link và anchor text

Việc có nhiều trang cùng chung một chủ đề khiến bạn gặp khó khăn trong việc điều hướng internal link và backlink. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Anchor Text bị phân bổ rải rác khắp nơi, làm mất tính nhất quán, tập trung, mất đi sức mạnh tổng hợp.

Thay vì kéo traffic khách hàng về một trang đích duy nhất – authoritative page về chủ đề, bạn lại chia nhỏ ra ở mỗi bài một ít.

Khiến Google bối rồi

Google không muốn trả về nhiều kết quả thuộc một Domain cho cùng một truy vấn tìm kiếm của người dùng. Bộ máy tìm kiếm kết quả trả về đa dạng, hữu ích và phù hợp nhất với người dùng.

Quá nhiều nội dung cho một từ khóa sẽ khiến Google phân vân trong việc lựa chọn ra trang phù hợp nhất. Đôi khi, website của bạn sẽ bị đánh đồng tất cả các trang đều kém chất lượng.

Từ khóa là cách chính để Google hiểu trang của bạn đang nói về chủ đề gì. Do đó, nếu tất cả các trang đều nhắm mục tiêu vào một từ khóa, Google sẽ bối rối trong việc chọn ra trang phù hợp nhất.

Lãng phí ngân sách thu thập dữ liệu

Ngân sách thu thập dữ liệu (Crawl Budget) của 1 website là số lần con nhện của công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu website trong một khoảng thời gian nhất định.

Trên mỗi website sẽ có một số lượng search engine spider nhất định. Hiểu nôm na nó là bọn Bot của Google thường trực để thu thập dữ liệu. Những website thường xuyên cập nhật, có traffic nhiều sẽ có số lượng Bot nhiều hơn.

Crawl Budget của mỗi site là có giới hạn. Site nhiều index, nhiều chỉ mục, nhiều bài viết sẽ mất nhiều thời gian và phiên làm việc hơn để update sự thay đổi. Do đó, việc chia ra nhiều content mỏng thay vì viết một bài chuyên sâu có thể làm giảm tốc độ thu thập dữ liệu (Index Google)

Ở những trang web nhỏ,chúng ta khó cảm nhận được điều này. Tuy nhiên, đối với những trang thương mại điện tử lớn, bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt.

Ảnh hưởng tới chất lượng nội dung

Thông thường với mỗi chủ đề, bạn chỉ có thể tạo ra một số nội dung chất lượng, chuyên sâu, mang lại giá trị đích thực cho người dùng. Quá nhiều nội dung mỏng, nghèo nàn, lạc đề, nhàm chán sẽ làm đánh mất niềm tin của khách hàng. Bị công cụ tìm kiếm đánh giá thấp, index chậm, thậm chí de-index. Do đó, thà ít content mà chất lượng vẫn tốt hơn

Tỉ lệ chuyển đổi CTR thấp

Chắc chắn một trong những trang của bạn sẽ chuyển đổi tốt hơn những trang còn lại. Thay vì hướng khách truy cập mới đến trang đó và biến nó thành trang có thẩm quyền nhất có thể, bạn thay vào đó sẽ mất các khách hàng tiềm năng khi họ truy cập vào các trang ít liên quan hơn.

Bên cạnh đó, Việc viết nhiều bài trùng lặp hoặc có nội dung mỏng, kém chất lượng sẽ làm tăng tỷ lệ thoát, giảm time on site, giảm trải nghiệm người dùng, đánh mất thương hiệu sản phẩm/doanh nghiệp

Có thể ảnh hưởng bởi thuật toán Panda

Keyword Cannibalization là một trong những lỗi được Google đề cập trong thuật toán Panda của mình.

Thuật toán Panda hay Google Panda là một thuật toán được Google tạo ra nhằm thay đổi cách xếp hạng các kết quả tìm kiếm trên mạng tốt hơn và công bằng hơn. Thuật toán Panda, được phát hành lần đầu trong tháng 2/2011, loại bỏ những nội dung rác, nội dung copy và những website có thương hiệu kém…

Đây là bộ lọc quan trọng để cải tiến các kết quả tìm kiếm mới của Google nhằm loại bỏ hay đánh tụt hạng của các trang web có “chất lượng thấp” (“low-quality sites”); trang có quá ít nội dung (“thin sites”),[ đặc biệt tiêu diệt các trang chuyên copy nội dung (“content farms”), và đưa các trang có chất lượng nội dung tốt lên thứ hạng cao hơn trong kết quả tìm kiếm.

4. Cách khăc phục Keyword Cannibalization – từ khóa ăn thịt từ khóa

Bước 1: Lọc Keyword Cannibalization

Cách 1: Kiểm tra trên Google Search

Khi nghi ngờ bất cứ 1 từ khóa nào xẩy xa tình trạng keyword cannibalization, bạn tìm kiếm trên Google với cú pháp Site:Domain.com Từ khóa. Google sẽ hiển thị tất cả các Bài đăng và trang trên website có đề cập đến chủ đề này.  

Mình đã tìm thấy 75 kết quả có đề cập đến từ khóa Honda City trên website Hondaotophattien.com.vn

Cách 2: Sử dụng Ahrefs

Truy cập Ahrefs và nhập URL của bạn

Click vào Organic Keyword

Xuất đầy đủ danh sách từ khóa của bạn, dưới dạng CSV

Mở tệp đã xuất bản. Xóa dữ liệu/cột không liên quan

Sắp xếp từ khóa theo thứ tự bảng chữ cái để bạn có thể thấy các vấn đề Cannibalization một cách dễ dàng hơn

Chọn thủ công và tô sáng tất cả các từ khóa trùng lặp:

  • Sử dụng định dạng có điều kiện để làm nổi bật các từ trùng lặp trong danh sách
  • Sau đó, bạn có thể yêu cầu các mục này hiển thị các ô được tô sáng trước – điều này giúp dễ dàng xem các trang trùng lặp
  • Những trang có từ khóa trùng lặp là các trang được xếp hạng cho cùng một từ khóa – bạn sẽ phải quyết định trang nào bạn muốn xếp hạng từ khóa này và sau đó gỡ từ khóa đó trên trang kia.

Phần cuối cùng của quá trình tốn nhiều thời gian nhất. Nếu website có hàng ngàn từ khóa, quá trình này có thể mất đến hàng giờ.

Bước 2: Phân tích hiệu suất nội dung

Vào Google Search Console và đi đến phần Hiệu suất. Click vào thanh lọc. Click Truy vấn và nhập vào từ khóa muốn nghiên cứu

Kết quả trả về cung cấp 2 dữ liệu quan trọng:

  1. Danh sách các từ khóa liên quan đến truy vấn mà trang web của bạn đã được hiển thị trong kết quả tìm kiếm, số lần hiển thị và tỷ lệ nhấp chuột cho các từ khóa đó.
  2. Danh sách các trang nhận được traffic từ nhóm từ khóa và lưu lượng truy cập của mỗi trang.

Từ đây, bạn sẽ có danh sách tất cả các trang đang ranking cho nhóm từ khóa và có vẻ đang có nội dung gần giống nhau cùng tỷ lệ nhấp chuột của từng trang.

Bạn đem các trang này vào bộ lọc trang của GSC. Xem xét dữ liệu trên từng URL và tìm ra phương án khắc phục (nếu có) cho phù hợp.

Bước 3: Đưa ra phương án khắc phục

Hợp nhất / Kết hợp các bài viết

Nếu hai bài viết cùng nhắm một nhóm đối tượng và cùng nói về một chủ đề, bạn nên gộp chúng lại với nhau thành một bài duy nhất. Viết thành một bài viết dài, chuyên sâu và chất lượng. Điều này sẽ giúp cải thiện thứ hạng từ khóa và giải quyết tình trạng Từ khóa ăn thịt lẫn nhau.

Đầu tiên, bạn cần chọn trang chính bằng cách so sánh hiệu suất các trang trong GSC. Sau đó, chuyển toàn bộ nội dung sang trang chính này. Các URL còn lại, bạn tùy chọn phương án xử lý:

  • URL có traffic và Backlink chất lượng: Redirect 301. Điều này sẽ giúp giữ lại Traffic và Link Juice của các trang phụ.
  • URL không traffic, không Backlink: loại bỏ vĩnh viễn khỏi công cụ tìm kiếm

WMT -> Chỉ mục của Google -> Xóa URL. Sau khi xóa URL, bạn cần điều hướng lại Internal Link cho phù hợp

Tối ưu cấu trúc website

Lên lại danh sách từ khóa và cả Landing Page phù hợp. Thay vì viết nhiều trang cho cùng một từ khóa, mỗi chủ đề/ nhóm từ khóa bạn chỉ nên viết 1 bài duy nhất (1 URL). Sau đó dùng Internal link về bài viết chi tiết cho từng từ khóa cụ thể. Từ đó, Google sẽ biết URL phù hợp nhất cho từ truy vấn.

Tạo các trang đích chất lượng

Google và cả người dùng thích những trang có nội dung toàn diện, đầy đủ, phân tích chuyên sâu, giải quyết được mục đích tìm kiếm của họ. Sau đó mới đến những vấn đề khác liên quan trực tiếp theo nhu cầu cụ thể. Phân tích Search Intent là một khâu quan trọng trong nghiên cứu từ khóa. Đừng nghĩ bài viết quá dài người ta sẽ bỏ qua không đọc. Nếu thông tin của bạn thực sự hữu ích, người dùng sẽ đọc không bỏ sót một chữ nào.

VD: Đối với nhóm từ khóa Máy giặt, bạn nên tạo một trang nói về chủ đề này và tối ưu nó. Đây là là trang tổng hợp nói về tất cả các loại mãy giặt và hãng máy giặt. Thông thường với những website thương mại điện tử, đây sẽ là Catagories, sau đó Internal link về sản phẩm cụ thể.

Cấu trúc này vừa tối ưu ý định người dùng, vừa giải quyết vấn đề từ khóa ăn thịt lẫn nhau.

Sử dụng thẻ Canonical

Cân nhắc sử dụng Canonical URLs, đặc biệt với những site thương mại điện tử. Cụ thể chúng ta sẽ chỉ định URL quan trọng bằng cách thêm một phần tử <Link rel =”canonical” href=”yourURL”/> để công cụ tìm kiếm bỏ qua những trang còn lại và tránh khỏi những rủi ro có thể bị phạt chất lượng content.

Thẻ canonical là một đoạn mã HTML xác định phiên bản chính cho các trang trùng lặp, gần trùng lặp và tương tự. Nói cách khác, nếu bạn có cùng một nội dung hoặc tương tự có sẵn dưới các URL khác nhau, bạn có thể sử dụng các thẻ Canonical để chỉ định phiên bản nào là phiên bản chính và do đó, nên được lập chỉ mục (Index)

Đây là tùy chọn tốt nhất để sử dụng khi bạn có hai trang tương tự mà bạn cần giữ. Vì cả hai đều hữu ích cho khách truy cập của bạn, và bạn muốn công cụ tìm kiếm chỉ xếp hạng cho 1 trang.

Sự khác biệt giữa Redirect 301 và Canonical:

  • Redirect 301: chỉtrang chính tồn tại (với cả Google và người dùng)
  • Canonical: cả 2 trang đều tồn tại với người dùng, Google chỉ Index trang chính.

VD: Bạn đã tạo một bài viết mới đề cập đến một chủ đề tương tự với một chủ đề hiện có khác (nhưng có một góc độ khác) và bạn phát hiện ra rằng cả hai trang đang bị Cannibalization. Sau khi phân tích nhanh, bạn quyết định Trang B là trang “chính” của mình. Bạn có thể sử dụng thẻ Canonical từ trang A trỏ đến trang B. Bạn sẽ muốn sử dụng dùng thẻ này khi cả 2 trang đều riêng biệt, hữu ích với người dùng nhưng không có nhiều giá trị trong SEO.

Nếu cần, bạn có thể thay đổi tất cả/ một số liên kết nội bộ sang trang B

Sử dụng thẻ noindex

Bạn Noindex những trang hữu ích cho khách truy cập, nhưng bạn không muốn nó xếp hạng trên công cụ tìm kiếm hoặc có khả năng ăn thịt những trang khác.
Các trang chuyên mục blog thường rơi vào nhóm này.

VD: Trên blog của Ahrefs, có một trang danh mục là Link Building

Người dùng vẫn có thể truy cập trang này. Nhưng sẽ không hiển thị trên kết quả tìm kiếm vì nó không được lập chỉ mục (Noindex)

Lý do để Noindex page:

  1. Để tránh tình trạng Ăn thịt từ khóa (tiềm năng): Ahrefs có một vài viết Link Buidings chất lượng khác và họ muốn ranking từ khóa cho bài viết đó. Do đó, họ không muốn trang Blog xếp hạng để tránh Keyword Cannibalization
  2. Để tránh mọi người truy cập trang này. Các trang danh mục blog rất hữu ích cho việc điều hướng một trang web. Nhưng chúng không hữu ích khi là landing page được truy cập từ SERPs.

Trên đây là 2 lý do để bạn nên noindex tất cả các trang danh mục Blog.

5. Cách tránh tình trạng Keyword Cannibalization trong tương lai

Cách tốt nhất để tránh tình trạng Keyword ăn thịt lẫn nhau là bạn nên có một cấu trúc website tốt, phù hợp ngay từ ban đầu. Để làm được điều này, bạn cần:

  • Lên bảng kế hoạch từ khóa trước mỗi dự án: Mỗi nhóm từ khóa (chủ đề) chỉ viết 1 URL duy nhất
  • Hãy quan tâm đến ý định người dùng

6. Tổng kết về Keyword Cannibalization

Tóm lại để xử lý vấn đề Từ khóa ăn thịt lẫn nhau, bạn cần làm 4 bước:

B1. Kiểm toán nội dung, phát hiện vấn đề Keyword Cannibalization
B2. Phân tích hiệu suất nội dung, quyết định phương án xử lý (redirect, noindex, xóa, hợp nhất…)
B3. Xử lý vấn đề “Từ khóa ăn thịt lẫn nhau”
B4. Thay đổi liên kết nội bộ (nếu có)
B5. Thay đổi hướng Backlink (nếu có thể)

Bạn nên kiếm toán vấn đề từ khóa ăn thịt lẫn nhau mỗi năm một lần cho những cụm từ khóa quan trọng mà bạn muốn trang web của mình xếp hạng.

Nguồn: quynhtrangpham.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button