Bạn biết gì về Tim Cook- Ceo của Apple hiện tại
Nếu như Steve Jobs là cha đẻ của hãng điện thoại Apple thì Tim Cook chính là người biến Apple trở tập đoàn công nghệ có giá trị nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Kể từ thời điểm tiếp nhận trọng trách thay Steve Jobs, Tim Cook đã khiến giá trị vốn hóa của Apple trên thị trường đã tăng lên khoảng 600% (gần 2.5 nghìn tỷ USD). Nhìn vào sự thành công của Apple, chắc hẳn không thể không kể đến vai trò của Tim Cook. Vậy thì cuối cùng bạn đã biết gì về Tim Cook- Ceo của Apple chưa? Nếu chưa biết, cùng dành chút thời gian cho bài viết dưới đây của chúng mình nhé!
Tiểu sử của Tim Cook
Tim Cook tên đầy đủ là Timothy Donald Cook, sinh ngày 1/11/1960, tại Alabama, Hoa Kỳ. Ông là một nhà điều hành, kỹ sư công nghiệp và là doanh nhân nổi tiếng người Mỹ. Hiện tại, ông đang giữ chức vụ CEO tại tập đoàn công nghệ hàng đầu Apple. Trước khi tiếp nhận vị trí này, ông từng là giám đốc điều hành dưới quyền Steve Jobs.
Tim Cook được sinh ra ở Mobile, Alabama, Hoa Kỳ (US), và lớn lên ở gần Robertsdale, Alabama. Cha của ông, Donald, là một công nhân nhà máy đóng tàu, và mẹ của ông, Geraldine, làm việc tại một hiệu thuốc.
Tim Cook tốt nghiệp Trường Trung học Alabama, Robertsdale. Ông cũng tốt nghiệp với bằng cử nhân kỹ sư công nghiệp từ Đại học Auburn năm 1982,bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) từ Trường kinh doanh Fuqua thuộc Trường Đại học Duke năm 1988.
Con đường sự nghiệp của Tim Cook
Trước khi gia nhận Apple
Trước khi gia nhập vào Apple, ông từng có thời gian dài làm việc ở tập đoàn công nghệ hàng đầu IBM. Ông đã dành 12 năm làm việc tại đây để tích lũy được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân. Ông cũng từng nắm giữ vị trí quan trọng trong ban lãnh đạo IBM khu vực Bắc Mỹ thời gian này.
Sau đó, ông rời IBM và trở thành giám đốc điều hành của bộ phận đại lý bán lẻ máy tính Intelligent Electronic. Ông cũng nhanh chóng giữ chức phó chủ tịch mảng dữ liệu doanh nghiệp của thương hiệu máy tính nổi tiếng Compaq chỉ trong vòng 6 tháng. Đây cũng là lúc ông gặp được Steve Jobs và được Steve ngỏ ý mời về làm việc cho Apple.
Làm việc tai Apple
Tim Cook bắt đầu gia nhập vào Apple từ tháng 3/1998 với tư cách là phó chủ tịch cấp cao về hoạt động bán hàng phạm vi toàn cầu dưới lời mời của Steve Jobs.Tại vị trí này, nhờ vào sự thông minh và kinh nghiệm dày dặn, Tim Cook đã giúp cho công ty giải quyết được vấn đề lớn về khối lượng linh kiện tồn kho, giảm từ dự trữ vài tháng xuống chỉ còn vài ngày.
Năm 2005, Tim Cook đã dẫn dắt đội ngũ nhân viên thuộc bộ phận thu mua linh kiện của mình tập trung mua số lượng lớn bộ nhớ Flash thay vì những thành phần khác. Và chính điều này đã giúp cho nguồn cung ứng của iPod Nano, iPhone và iPad không bị gián đoạn tại thời điểm đó. Các chiến lược kinh doanh của Tim Cook luôn được giới chuyên môn đánh giá cao bởi chúng giúp công ty tiết kiệm được hàng triệu đô la trong khi vẫn mang về lợi nhuận khổng lồ.
Những đóng góp của Tim Cook đã giúp ông thành công thăng chức vào Ban lãnh đạo của Apple Inc vào năm 2007. Năm 2009, ông tạm thời được giao vị trí Giám đốc điều hành thay cho Steve Jobs, người phải vắng mặt vì các lý do sức khỏe. Thời gian này, Tim Cook cũng thừa hưởng và phát huy rất nhiều từ phong cách lãnh đạo của Steve Jobs.
Sau đó, ông được bổ nhiệm làm CEO của Apple vào ngày 24/8/2011 sau một thời gian dài làm việc tại đây.
Sau khi trở thành CEO của Apple, Tim Cook đã thực hiện một cuộc thay đổi lớn trong đội ngũ điều hành của công ty. Ông chủ yếu tập trung xây dựng nền văn hóa của doanh nghiệp đồng thời loại bỏ đi những người thiếu năng lực và làm việc không hiệu quả.
Dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, ông đã giúp cho doanh thu của nhà Táo tăng lên gấp 3 lần so với trước đây. Năm 2018, công ty đã đạt mức doanh thu kỷ lục 265.6 tỷ USD (6.05 triệu tỷ đồng), cao nhất trong lịch sử phát triển của thương hiệu này. Ngoài lợi nhuận thì Tim Cook cũng giúp cho Apple trở thành thương hiệu có độ phủ sóng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu.
Phong cách lãnh đạo của Tim Cook
Nhiều chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới nhận định rằng chính dấu ấn mạnh mẽ trong phong cách lãnh đạo của Tim Cook đã giúp Apple trở thành một đế chế công nghệ tỷ đô như hiện nay. Trên thực tế Tim Cook luôn được biết đến là một người có phong cách lãnh đạo ôn hòa và luôn tìm cách truyền động lực làm việc cho cấp dưới của mình.
Ông từng nói: “Chúng tôi muốn sự đa dạng trong suy nghĩ. Chúng tôi muốn sự đa dạng trong phong cách. Chúng tôi muốn mọi người hãy là chính họ. Và đó chính là một điều tuyệt vời ở Apple. Bạn không cần phải là một ai khác. Bạn không cần phải đeo mặt nạ khi đến văn phòng. Những điều trói buộc chúng tôi lại với nhau là những giá trị. Chúng tôi muốn làm những điều đúng đắn. Chúng tôi muốn thẳng thắn và khiêm tôn. Chúng tôi cần phải biết thú nhận sai lầm và có dũng khí để thay đổi.”
Trong thời gian điều hành Apple, Tim Cook luôn tập trung vào các sản phẩm đang có, thúc đẩy nâng cao năng suất bán hàng cũng như củng cố các mối quan hệ bên trong công ty. Ông luôn khuyến khích nhân viên nói lên ý kiến riêng của mình rồi sau đó mới đưa ra quyết định.
Ngoài ra, Tim Cook cũng đã công khai mình là người đồng tính thông qua một bài báo trên Bloomberg Businessweek. Ông cho biết bản thân muốn dùng vị trí giám đốc lãnh đạo tập đoàn hàng đầu thế giới để truyền cảm hứng cho những người đồng tính – vốn chỉ là một cộng đồng nhỏ đang phải đối mặt với vấn đề phân biệt và kỳ thị giới tính.
Có thể thấy để một thương hiệu thành công bên cạnh chất lượng của sản phẩm thì vai trò của người lãnh đạo là không thể phủ nhận.Tim Cook có thể coi là người kế nhiệm hoàn hảo của Steve Jobs. Dù trong quá trình lãnh đạo Apple ông thường ra quyết định chậm hơn so với cựu CEO Steve Jobs.Đây có thể coi là một yếu điểm của ông, điều này xuất phát từ bản tính cẩn thận và luôn lắng nghe ý kiến từ nhiều người của Tim. Tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò to lớn trong sự thành công của Apple hiện tại. Nếu bạn cũng là một fan của nhà Táo vậy thì đừng bỏ qua bài viết này của chúng mình nhé!
Hy vọng những kiến thức chúng mình chia sẻ có ích với các bạn và đừng quên để lại bình luận bên dưới cho chúng mình biết nha.
Xem thêm: Bài học kinh doanh từ 3 câu chuyện ngụ ngôn thú vị