Lưu ý gì khi thuê mặt bằng kinh doanh
Bạn có ý tưởng bắt đầu muốn kinh doanh một thứ gì đó. Bạn đang muốn mở cửa hàng để tập tành buôn bán. Điều bạn nghĩ tới đầu tiên là gì? Nguồn hàng? Nhân viên? Vận chuyển? Trang thiết bị, nội thất? Đúng, tất cả các vấn đề này bạn đều phải quan tâm, tuy nhiên theo mình vấn đề đầu tiên bạn nên quan tâm chính là mặt bằng kinh doanh. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của công việc kinh doanh của bạn.Vậy khi bạn đi thuê mặt bằng, bạn cần lưu ý nội dung gì? Cùng tìm hiểu nhé!
1.Địa điểm kinh doanh có phù hợp với sản phẩm của bạn,
Mỗi một địa điểm lại phù hợp với một vài sản phẩm kinh doanh nhất định, bạn không thể nào nói rằng một địa điểm mà bán gì cũng tốt.Vậy nên trước hết bạn cần hiểu sản phẩm của mình cung cấp là gì? Sau đó đối chiếu với địa điểm bạn dự kiến thuê, từ đó đưa ra tính toán cho phù hợp.
“Buôn có bạn bán có phường”.Dù rằng bạn sẽ gặp phải nhiều đối thủ cạnh tranh hơn những đây cũng là ưu thế mà bạn có thể tận dụng. Vậy nên hãy chọn địa điểm mà ở đó có những cửa hàng cũng đang kinh doanh những sản phẩm giống bạn nhé!
Bạn cũng nên đo lường lượng khách hàng thực tế.Bằng việc quan sát số lượng người qua lại.Số lượng người dừng lại xem hàng, mua hàng của các cửa hàng khác, từ đó có quyết định phù hợp.
2.Vị trí mặt bằng có thuận lợi không?
Vì dùng để kinh doanh nên vị trí thuận lợi là yếu tố đầu tiên cần được quan tâm. Không nhất thiết phải nằm ở đường lớn hay những vị trí đắc địa mà mặt bằng còn tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng và tài chính chủ kinh doanh.
Tuy nhiên, cần tìm vị trí đảm bảo được sự thuận tiện trong việc lưu thông, giao thông đi lại dễ dàng. Bạn không nên thuê ở những nơi có mặt đường quá nhỏ, ngõ ngách khó tìm sẽ khiến khách hàng “lười” trong việc tìm đến còn người bán thì khó vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, cần tìm nơi có chỗ để xe, đỗ xe rộng rãi để khách hàng đến sẽ cảm thấy thoải mái. Do vậy, để đánh giá một mặt bằng có vị trí đẹp và chất lượng cần rất nhiều yếu tố mà bạn phải quan tâm.
3.Chất lượng mặt bằng có đảm bảo.
Chất lượng mặt bằng sẽ được đánh giá qua chất lượng, cơ sở vật chất của mặt bằng. Cụ thể, mặt bằng có đầy đủ các thiết vị chống cháy; chống trộm; đầy đủ thiết bị và hệ thống điện, nước; hình thức nhà đẹp; tường, gạch chắc chắn, đảm bảo, sạch sẽ… được xem là một mặt bằng tốt, chất lượng.
Còn nếu bạn lựa chọn mặt bằng thô, hoặc chưa ưng ý lắm về nội thất và muốn điều chỉnh. Bạn nên lưu ý thỏa thuận với người cho thuê thật kỹ những nội dung này, và đưa vào hợp đồng cụ thể để tránh tranh chấp nhé!
4.Hãy thỏa thuận với chủ mặt bằng và cẩn trọng với hợp đồng thuê mặt bằng.
Trên thực tế, có rất nhiều người đi thuê mặt bằng kinh doanh gặp phải các trường hợp tiền mất tật mang như: Bị phá vỡ hợp đồng không có bồi thường thiệt hại. Đang kinh doanh đông khách thì chủ nhà cắt hợp đồng, không cho thuê nữa và mở bán đúng mặt hàng của mình trước đây. Hoặc tệ hơn nữa là trường hợp cùng một mặt bằng cho nhiều người thuê và lừa đảo để chiếm đoạt tiền đặt cọc của những người thuê.
Rút kinh nghiệm từ các trường hợp đã xảy ra, các chủ shop cần chặt chẽ trong việc làm hợp đồng.Hợp đồng thuê mặt bằng bắt buộc phải có đủ 7 điểm sau: diện tích thuê, giá thuê, tiền cọc, thời gian thuê, khoản tăng giá hằng năm (nếu có), ngày bàn giao mặt bằng, hiện trạng mặt bằng lúc bàn giao.
Đối với số tiền thuê nhà lớn thậm chí cần công chứng, việc công chứng hợp đồng thuê nhà hoàn toàn không bắt buộc mà phụ thuộc vào nhu cầu giữa hai bên. Tuy nhiên, đối với những hợp đồng thuê nhà có công chứng thì sẽ có giá trị pháp lý tốt hơn nếu chẳng may xảy ra tranh chấp.
Một số kinh nghiệm làm hợp đồng thuê nhà cần phải biết:
- Xác thực người cho thuê có phải là chủ thực sự của ngôi nhà đó hay không? Có thể yêu cầu chủ nhà cung cấp các giấy tờ liên quan để đảm bảo họ là chủ sở hữu tài sản đó.
- Kiểm tra chi tiết các điều khoản về thời hạn thuê mặt bằng kinh doanh. Đơn vị tính là số năm hoặc số ngày, chính xác là từ ngày bao nhiêu? Bao giờ thì kết thúc hợp đồng? Việc gia hạn hợp đồng ra sao? Có được kết thúc hợp đồng trước thời hạn hay không và các điều kiện kết thúc hợp đồng như thế nào?
- Thêm mục tình trạng mặt bằng khi bàn giao: Mục này cần làm rõ hiện trạng mặt bằng kinh doanh khi bạn đến thuê, liệt kê càng chi tiết càng tốt. Nếu chúng không đạt yêu cầu, bạn có thể làm một bản phụ lục hợp đồng dự toán chi phí tu sửa, đàm phán trừ trực tiếp vào số tiền phải thanh toán khi thuê nhà.
- Một lưu ý nữa cũng không kém phần quan trọng là mục tăng chi phí thuê hàng năm, khoản tiền tăng tối đa mỗi năm. Con số này được đưa ra sau khi đã có sự đàm phán giữa hai bên là người thuê và người cho thuê.
5.Giá cả cũng là yếu tố quyết định
Lên ngân sách chi tiết xem bạn có thể chi trả bao nhiêu cho tiền mặt bằng mỗi tháng. Cân nhắc khoảng giá thuê mặt bằng bạn có thể trả là bao nhiêu? Tham khảo các thông tin về đặt cọc, thời gian thuê trong bao lâu, các khoản bồi thường nếu không thực hiện đúng hợp đồng,…
Bạn cũng nên tìm hiểu giá thuê mặt bằng tại nơi bạn định kinh doanh là bước khảo sát giúp hiểu rõ giá cả thị trường. Người nào nắm được các thông tin chính xác thì sẽ dễ dàng trong việc thỏa thuận giá tốt nhất với chủ nhà. Hầu hết tại các địa bàn sẽ có mức thuê nhà gần gần bằng nhau, với các diện tích chênh lệch thì giá thuê đương nhiên có chênh lệch. Tuy nhiên, việc đi khảo sát giá thuê sẽ giúp bạn biết được mặt bằng chung các chủ nhà cho thuê tại khu vực đó có giá ra sao. Tránh trường hợp thuê phải nhà giá cao hơn, tốn kém chi phí.
Ví dụ: Giá thuê trung bình tại khu vực A là 18 triệu nhưng bạn không khảo giá kỹ, thuê với giá 20 triệu. Như vậy mỗi tháng bạn bị đắt hơn 2 triệu, nhân với 12 tháng là 24 triệu. Nếu ký hợp đồng 3-5 năm thì bạn đã mất một số tiền lớn.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của chúng mình về những lưu ý khi đi thuê mặt bằng kinh doanh. Bạn nên lưu ý để tránh gặp phải rủi ro khiến bạn vừa mất tiền mất sức mà lại mất công nhé!
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho bài viết . Tham khảo thêm: Tổng hợp những cách thu hút khách hàng online hiệu quả