Nếu bạn là người Việt Nam chắc hẳn bạn đã có ít nhất một lần dùng thử sản phẩm sữa của Vinamilk. Cho đến nay vị thế của Vinamilk đã được chứng minh bởi doanh thu và thị phần luôn luôn lớn nhất tại Việt Nam.Không chỉ thế Vinamilk còn vươn mình ra thị trường thế giới khi xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia ngoài Việt Nam Vậy đâu là “bí quyết” giúp VINAMILK đạt được thành công đó? Bạn học được gì qua bài học thành công của Vinamilk.Hãy cũng chúng mình tìm hiểu nhé!
1.Chất lượng sản phẩm là yếu tố xây dựng uy tín
Trong 6 tháng đầu năm, tuy nền kinh tế toàn cầu bị tác động bởi Covid-19 nhưng nhờ hàng loạt hợp đồng xuất khẩu đã ký và đang triển khai, doanh thu xuất khẩu cán mốc 2.451 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ 2019, đóng góp tích cực vào kết quả chung của Vinamilk.Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, kết quả này có được một phần lớn là nhờ sự tín nhiệm của các các đối tác tại nước ngoài vào chất lượng sản phẩm của Vinamilk.
Cách đây hơn 20 năm, vào năm 1997, khi Vinamilk xuất sản phẩm sữa bột đến thị trường Trung Đông lần đầu tiên, ít ai ngờ rằng, chỉ sau một thời gian ngắn, sự tin tưởng từ người tiêu dùng đã làm cho cái tên Dielac trở nên phổ biến đến mức người dân đã dùng tên “Dielac” để gọi các sản phẩm sữa bột, bột dinh dưỡng cho trẻ em nói chung. Chia sẻ về lô sữa xuất khẩu đầu tiên này, TGĐ Vinamilk – Bà Mai Kiều Liên cho rằng, tại thời điểm đó, không ai nghĩ là Việt Nam có thể xuất khẩu sữa bột trẻ em do trước đó hoàn toàn phải nhập khẩu sữa bột.
Vinamilk phải vượt qua vòng kiểm tra chất lượng khắt khe của nước bạn, thậm chí một số tiêu chí còn khó hơn chuẩn quốc tế. Sau khi chứng minh được về chất lượng và khả năng giao hàng đúng theo yêu cầu, Vinamilk đã ký được các hợp đồng xuất khẩu lớn vào thị trường này. Đó là kết quả của phép thử Vinamilk dành cho chiến lược của mình khi đặt những bước chân đầu tiên vươn ra thế giới.
Bài hoc 1: Hãy Tạo ra sản phẩm chất lượng và duy trì sự ổn định chất lượng của sản phẩm
2.Tìm thị trường tiềm năng
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, tìm được thị trường tiềm năng là bước đầu hết sức quan trọng. Chỉ khi tìm được thị trường thì doanh nghiệp mới có thể triển khai hoạt động xây dựng thương hiệu và kế hoạch tiếp cận của mình.
Xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Iraq từ năm 1998, thành công mà thương hiệu VINAMILK đạt được tại Iraq chính là thành quả của hơn 2 lần Tổng Giám đốc và ban lãnh đạo công ty đến Iraq để tìm hiểu thị trường. VINAMILK đã vượt qua 15 hãng sữa lớn, danh tiếng trên thế giới để thắng thầu cung cấp Sữa vào Iraq nhờ vào chính uy tín của doanh nghiệp, sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý và trên hết là nhờ kế hoạch đột phá tìm thị trường của đội ngũ lãnh đạo công ty. Không chỉ dừng lại ở đó, tại những thị trường khác, sản phẩm của công ty đều được xuất khẩu trực tiếp dưới thương hiệu VINAMILK và ngày càng chiếm được tình cảm và sự yêu mến của khách hàng.
Bài học 2: Không ngủ quên trên chiến thắng,không ngừng phát triển và đi tìm mảnh đất tiềm năng
3.Cộng tác với các đối tác tin cậy
Các doanh nghiệp cùng ngành đã bao giờ tự hỏi đâu là nguyên nhân giúp VINAMILK có thể triển khai hoạt động tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng, đặc biệt là vị thế “bá chủ” của nhãn hiệu Dielac tại Iraq? Chỉ dựa vào chất lượng sản phẩm vượt trội thì có đủ sức như vậy không?
Câu trả lời đó là nhờ VINAMILK đã tìm được những đối tác hết sức tin cậy. Chính niềm tin và sự trung thành của họ đã giúp công ty vượt qua những khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu. Nếu không phải là đối tác tin cậy, họ có thể “bỏ” VINAMILK khi sự cố nhãn mác dán sai xảy ra, hợp tác với doanh nghiệp khác khi tính cạnh tranh trên thị trường tăng lên. Bởi có những doanh nghiệp sẵn sàng chi ra nhiều tiền hơn, mời chào giá cả cao hơn và lợi nhuận của các nhà nhập khẩu cũng cao hơn.
Khi nhà cung cấp và nhà nhập khẩu tin tưởng lẫn nhau và xây dựng được mối quan hệ gắn bó lâu dài thì hoạt động kinh doanh cả đôi bên sẽ hiệu quả hơn. Họ có thể cùng nhau lên kế hoạch làm sao để hiểu rõ hơn những mong muốn ẩn giấu của khách hàng và đưa ra những quyết định chính xác với chi phí hợp lý. Nhà nhập khẩu sẽ tìm hiểu nhu cầu thị trường, báo cho nhà cung cấp, nhà cung cấp sẽ đưa ra mức giá “mềm”, hợp lý hơn. Như vậy, cả hai bên cùng có lợi, cùng đạt được mục đích của mình.
Bài học 3: “Buôn có bạn, bán có phường”
4.Sử dụng linh hoạt các phương tiện truyền thông
Trong thời đại công nghệ phát triển, số lượng các phương tiện, kênh truyền thông không còn giới hạn ở một hay một số như trước đây, các doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn hơn, phù hợp với ngân sách chi tiêu cho hoạt động quảng cáo cũng như đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới. Khi tiếp cận thị trường quốc tế, các doanh nghiệp nên sử dụng kết hợp linh hoạt các phương tiện truyền thông nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam trong quá trình định vị thương hiệu của mình trên thị trường thế giới đã sử dụng khá linh hoạt các kênh quảng cáo cũng như cách thức truyền thông. Kết hợp quảng cáo trên truyền hình, quảng cáo trên internet đáp ứng sở thích nghe nhìn của người tiêu dùng ở mỗi quốc gia khác nhau: quảng cáo trên truyền hình với người dân Campuchia, kết hợp quảng cáo trên truyền hình với quảng cáo trên đài phát thanh ở Iraq, quảng cáo trên internet với những nước phát triển hơn như Australia, Philippines, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất UAE…
Ngoài ra, công ty còn sử dụng các kênh truyền thông khác đặc trưng tại mỗi quốc gia, đem lại hiệu quả bất ngờ. Điển hình là việc tham gia hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Campuchia, tham gia các hội chợ triển lãm ở Australia nhằm giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu VINAMILK đến gần với người tiêu dùng hơn. Chính điều này đã góp phần quảng bá, định vị thương hiệu VINAMILK trong tâm trí người tiêu dùng quốc tế.
Bài học 4: Tận dụng truyền thông để đẩy mạnh phát triển
5.Ứng phó với khủng hoảng
Năm 2006, VINAMILK vướng phải sự kiện có sai sót về nhãn mác khi đúng ra trên bao bì phải ghi là “Sữa tươi tiệt trùng không đường” nhưng lại ghi thành “sữa tươi tiệt trùng nguyên chất”. Sai sót này đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thị trường Campuchia và Philippines. Bởi, theo quan điểm của người tiêu dùng, ghi sai nhãn mác là dấu hiệu của gian lận thương mại. VINAMILK đang đứng trước nguy cơ bị tẩy chay hàng hóa từ cộng đồng tiêu dùng quốc tế.
Trước tình hình này, Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam đã chính thức lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng và đảm bảo sẽ không có sai sót như vậy trong tương lai. Tuy nhiên, bà Liên cũng giải thích sản phẩm “sữa tươi tiệt trùng nguyên chất” của công ty có nguyên liệu chế biến là 99% sữa tươi nguyên chất. Hàng ghi nhãn “sữa tươi tiệt trùng” có 70 – 80% hàm lượng sữa bò tươi, còn lại là các nguyên liệu khác, nên VINAMILK không hề có sự gian lận về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng. Công ty cũng thu hồi các sản phẩm sai nhãn mác qua hệ thống phân phối và ngay lập tức sửa lại nhãn mác theo quy định của các cơ quan chức năng để tránh gây hiểu lầm với người tiêu dùng.
Không dừng lại ở đó, VINAMILK còn chứng minh công ty có thể đưa ra những sản phẩm sữa tươi chất lượng cao đến khách hàng bằng cách tiếp tục nghiên cứu để đưa ra dòng sản phẩm sữa tươi nguyên chất 100%.
Hành động của công ty VINAMILK ứng phó với “khủng hoảng” đã làm dịu lòng người tiêu dùng. Việc Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên chính thức xin lỗi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trên trang web chính thức của công ty (www.vinamilk.com.vn) là một hành động đúng đắn và khôn ngoan. Do đó, sai sót này đã không gây ảnh hưởng lớn đến vị thế của thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Bài học 5: Luôn luôn lường trước rủi ro và phòng ngừa khủng hoảng
Bạn thấy đấy, Vinamilk thành công không phải là câu chuyện may mắn. Đó là sự đúc kết kinh nghiệm và không ngừng đổi mới. Chính những chiến lược phát triển có kế hoạch khiến cho Vinamilk có được vị thế ngày hôm nay. Hy vọng rằng những bài học về sự thành công mà Vinamilk mang lại có thể giúp các bạn có được động lực trong công việc kinh doanh hằng ngày. Chúc các bạn thành công