Trong bài viết trước chúng mình đã gửi tới các bạn những dấu hiệu nhận diện các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại, vậy thì trong bài viết ngày hôm nay chúng mình sẽ chia sẻ tới các bạn những điều bạn nên làm để ứng phó với các chiêu trò này. Làm sao giúp chúng ta tránh khỏi việc trở thành những con mồi béo bở
1.Cách kiểm tra dấu hiệu lừa đảo qua điện thoại
Dĩ nhiên khi nhận được những cuộc điện thoại lừa đảo bạn sẽ có chút hoang mang lo lắng.Tuy nhiên hoàn toàn có thể kiểm tra được đây có phải là hành vi lừa đảo không bằng cách sau:
- Khi bị số điện gọi lạ gọi điện đến tự xưng là Cảnh sát giao thông gọi điện đến thì có thể tra cứu số điện của cảnh sát giao thông trên google, thông thường số điện thoại của cơ quan nhà nước sẽ là số điện thoại bàn chứ không phải số điện thoại di động của cá nhân. Bên cạnh đó các cơ quan nhà nước thường làm việc trực tiếp, hoặc có giấy tờ đóng dấu đỏ đàng hoàng, khá hiếm khi liên hệ với công dân qua số điện thoại. Vậy nên khi nhận được những cuộc điện thoại như vậy, bạn nên bình tĩnh và kiểm tra cụ thể nhé!
- Tra cứu thông tin của đối tượng nghi ngờ lừa đảo trên google: trường hợp nhận được cuộc gọi hay tin nhắn của đối tượng tự xưng là cửa hàng thông báo trúng thưởng, trước khi làm theo yêu cầu của đối phương thì nên tra cứu thông tin cửa hàng, đơn vị đó hoặc tìm hiểu kĩ về chương trình đó. Hoặc tốt nhất, người dân nên yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin trụ sở chính, cửa hàng chính để kiểm tra, xem xét và đến trực tiếp giải quyết.
2.Tuyệt đối không thực hiện những điều sau để tránh rơi vào cái bẫy lừa đảo
Với các trường hợp nghi lừa đảo, người dùng cần nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ tài khoản của mình với các nguyên tắc sau:
- Không được cung cấp thông tin cá nhân trên chứng minh thư hay căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng cho bất kể ai.
- Không được cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của tài khoản ngân hàng cho các đối tượng khác
- Không đăng nhập vào các đường link do người lạ gửi đến.
- Không quét các QR code không rõ nguồn gốc hoặc khi chưa nắm rõ thông tin.
- Không cho mượn/cho phép người khác sử dụng tài khoản ví điện tử, tài khoản ngân hàng điện tử…
- Không để lại số điện thoại, CMND, hình ảnh/thông tin tài khoản Ngân hàng/ví điện tử trên mạng xã hội.
- Không cho mượn tài khoản ngân hàng hay tài khoản thanh toán tiền khác như ví điện tử momo, zalo pay…
Bạn nên nhớ nguyên tắc “1 không 2 nên “ khi gặp phải những cuộc gọi lừa đảo kiểu này:
- 1 không là không làm bất kỳ điều gì mà bên lừa đảo yêu cầu
- 2 nên là nên liên hệ với cơ quan chức năng/ ngân hàng để được hỗ trợ và nên trao đổi với người thân quen để cùng có biện pháp ứng phó.
3. Bị lừa đảo qua điện thoại, làm sao để đòi lại tiền?
Vậy nếu như bạn quá hoang mang lo lắng và sau đó lỡ chuyển tiền, thực hiện giao dịch, cung cấp OTP,.., hoặc làm những điều mà bên lừa đảo yêu cầu. Lúc này bạn nên làm gì?
- Nhanh chóng khoá lại tất cả các ứng dụng ngân hàng, liên hệ với ngân hàng để chặn các giao dịch phát sinh ( nếu là các cuộc gọi liên quan đến lừa đảo yêu cầu chuyển tiền hoặc giao dịch ngân hàng).
- Ghi âm lại toàn bộ các cuộc gọi, chụp ảnh tin nhắn giao dịch với kẻ lừa đảo
Bên cạnh đó ngay sau khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo và không thể liên lạc lại được với đối tượng lừa đảo, bị hại/người bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi mình cư trú (Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an…) để được giải quyết kịp thời.
Người tố giác tội phạm cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau đây khi làm đơn tố giác gửi đến cơ quan Công an:
- Đơn trình báo Công an (trình bày cụ thể sự việc lừa đảo, các yêu cầu cần giải quyết);
- Bản sao công chứng Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;
- Chứng cứ kèm theo: Bản ghi âm, biên lai chuyển tiền, ảnh chụp tin nhắn… trong đó có chứa thông tin về hành vi phạm tội.
Hy vọng với những chia sẻ của chúng mình có thể giúp bạn có thêm những thông tin giúp bảo vệ bản thân trước những rủi ro từ các cuộc gọi lừa đảo và sử dụng chiếc điện thoại của mình ngày càng thông minh hơn!
Xem thêm:Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại thường gặp